THÁP BÀ PONAGAR NHA TRANG
Trong quá trình tồn tại và phát triển, cư dân cổ Chămpa đã để lại một khối lượng di sản văn hóa khổng lồ cả về văn hóa vật chất, tinh thần trên dải đất miền Trung và Tây Nguyên ngày nay. Những thành tựu của nền văn hóa Chămpa được thể hiện đầy đủ và tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực: nghệ thuật xây dựng kiến trúc đền tháp; nghệ thuật điêu khắc; bia ký; chữ viết; tôn giáo tín ngưỡng …
Sử cũ còn ghi người Chăm xây dựng các đền tháp trên đồi Cù Lao ở xứ Kauthara, để thờ Nữ thần Ponagar là Mẹ Xứ sở của người Chăm, tên thường gọi là Tháp Bà Ponagar. Di tích có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII. Khu đền tháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tôn giáo, tinh thần của dân tộc Chăm. Mỗi công trình chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật của văn hóa Chămpa. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật tiêu biểu, năm 1979 Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Tháp Bà Ponagar là di tích Quốc gia.
Tháp Bà Ponagar thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, là một quần thể kiến trúc lớn và được phân bố trên 3 mặt bằng: Tháp Cổng, Mandapa và khu đền tháp. Do biến động của lịch sử, hiện nay khu di tích còn lại 5 công trình kiến trúc ở hai mặt bằng: Gồm Mandapa (tiền đình) và Khu đền Tháp ở phía trên.
Mandapa (Tiền đình)
– Khu vực Mandapa: có bốn hàng cột lớn xây bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ hình bát giác ở phía ngoài. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, đây là kiến trúc hở tường bao và có mái che bằng các vật liệu nhẹ, vì trên mỗi cột lớn, tương ứng với chiều cao cột nhỏ đều có “lỗ mộng”. Trải qua thời gian, hiện nay không còn dấu vết mái che của Mandapa. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là nơi các tín đồ chuẩn bị các lễ vật trước khi lên hành lễ ở các đền tháp phía trên.
– Đi lên hành lễ ở các đền tháp phía trên, các tín đồ phải đi theo các bậc rất dốc. Họ phải đi như bò, tay bám các bậc phía trên để không ngã ra sau và khi xuống phải đi lùi quay lưng xuống bên dưới, cách đi như vậy có thể để thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần được thờ ở trên. Trải qua thời gian, lối đi này đã bị sạt lở, khó đi hơn nên người xưa mở đường bên cạnh, men theo sườn đồi lên tháp, đường mới này ít dốc hơn, dễ đi lại với các bậc xây bằng đá chẻ.
– Trước đây, phía đông Mandapa còn có hai cột nhỏ, thấp hơn nền, ở hai bên bậc lên xuống Mandapa (nay không còn, chỉ còn dấu tích) và thẳng ra cổng chính (cổng cũ – nay không còn). Cổng, Mandapa và tháp Chính ở trên tạo thành trục thẳng đông – tây, như trục thần đạo của Pô Nagar. Khi tu bổ di tích, người ta đã phát hiện ra những bậc tam cấp dẫn lên Mandapa và thẳng với cổng chính trước đây của di tích. “Trong khi phát lộ mặt bằng để trùng tu, đã làm xuất lộ ở mặt Đông một con đường và dãy tam cấp dẫn lên gian giữa của tòa nhà cột. Dãy tam cấp có bốn bậc, cao 1,20m, rộng 1,40m; còn đoạn đường dài 7,40m, rộng 2,60m (chiều rộng của con đường đúng bằng chiều rộng của tam cấp), nằm cách tường Đông của kiến trúc nhà cột 9,80m và vươn tiếp về phía Đông tới cổng (đã không còn) của khu đền thờ”
Những phát hiện trên là nguồn cứ liệu góp phần khẳng định đường trục thần đạo của Pô Nagar: Cổng – Mandapa – các bậc cấp dẫn lên khu đền tháp – tháp Chính và khẳng định vị trí trung tâm của ngôi tháp thờ Mẹ xứ sở – Nữ thần Pô Nagar của vương quốc cổ Chăm pa.
Kiến trúc Mandapa có niên đại khoảng thế kỷ XI.
2. Khu đền tháp
Theo sử sách và những kết quả khảo sát thực địa, khu đền tháp này có tất cả sáu đền tháp. Ngoài bốn đền tháp còn hiện hữu, còn có hai đền tháp ở khu vực phía sau, nhưng hiện nay chỉ còn nền móng của tháp cũ. Người Chăm gọi tháp là Kalan, dịch sang tiếng Việt nghĩa là đền, tháp.
Các tháp Chăm ở đây được xây dựng theo bình đồ hình vuông. Mỗi tháp đều có bốn cửa ở bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Ba cửa ở ba hướng tây, nam và bắc chỉ là những ô cửa giả. Riêng cửa phía đông được mở ra và kéo dài như một tiền sảnh.
Tháp Đông Bắc
– Tháp Chính, tháp cao khoảng 23m. Theo các nhà nghiên cứu, niên đại của tháp Chính được xây dựng lần đầu tiên vào các năm 813 – 817 và trải qua những biến cố của lịch sử, tháp đã được xây dựng lại vào khoảng giữa thế kỷ XI.
– Trên thân tháp được trang trí bằng 5 hàng trụ áp tường chạy dọc. Bốn góc mái có bốn tháp nhỏ với 3 tầng mái thu nhỏ dần về phía trên. Hệ mái của tháp được ví như ngọn núi Mêru, nơi ở của các vị thần, với năm ngọn núi mà đỉnh ở giữa cao nhất. Trên hệ mái được trang trí những linh vật như: voi, ngỗng, dê… tiêu biểu cho quan niệm tôn giáo hết sức sinh động.
– Trên vòm cửa là tấm phù điêu bằng đá hình lá đề thể hiện thần Shiva với bốn cánh tay đang múa, hai bên có hai nhạc công thổi sáo, chân phải Shiva đặt trên lưng bò thần Nandin. Các nhân vật được thể hiện trong tấm lá đề với những động tác uyển chuyển, sinh động và rất duyên dáng. Phù điêu có niên đại thế kỷ XI và là một trong những tấm phù điêu đẹp nhất của văn hóa Chăm pa còn được lưu giữ ở Việt Nam.
– Trên những trụ đá ở cửa là những bia ký khắc chữ Sancrit và chữ Chăm cổ ghi chép về việc xây dựng đền tháp và cúng dường lễ vật của các vua, chúa và hoàng tộc Chăm lên Nữ thần và việc Nữ thần ban phúc lành cho muôn dân.
Trích dẫn một bia ký: Nữ thần của Kauthara, người có tấm thân rực sáng bởi vẻ đẹp và tấm choàng tuyệt hảo bằng vàng, người có khuôn mặt ngời sáng rạng rỡ và đẹp đẽ như đóa hoa sen và đôi má sáng chói bởi ánh sáng của ngọc ngà châu báu, đã luôn ban phước cho tất cả những ai quỳ xuống cầu nguyện trước mặt mình.
– Bên trong tháp là điện thờ hình vuông, chính giữa đặt tượng thờ Nữ thần Ponagar – là phần hồn của di tích. Đây cũng là tượng của Uma (vợ – biểu hiện âm tính của thần Shiva), đến thế kỷ XVII được người Việt tiếp tục gìn giữ và thờ Thiên Y Thánh Mẫu. Ảnh hưởng tín ngưỡng của người Việt nên tượng hiện nay được khoác xiêm y bên ngoài. Hai bên là ban thờ Cô và Cậu.
– Trong tháp, trên mỗi ô cửa giả có những hình tam giác nhỏ được khoét sâu vào tường. Đây là nơi đặt đèn dầu của đền thờ, bởi ngày xưa người Chăm chỉ thắp bằng đèn, trầm và cúng bằng nước… Do ảnh hưởng văn hóa tín ngưỡng của người Việt, nhang khói đã làm đen các bức tường của di tích.
Tháp Nam:
– Tháp cao 18m, có quy mô lớn thứ hai trong toàn bộ tổng thể kiến trúc ở khu đền tháp Ponagar. Ngôi tháp có bộ mái tương đối lạ trong quần thể kiến trúc Tháp Bà. Phần đế và thân của tháp vẫn được xây theo mô típ tháp Chăm truyền thống song phần mái được thu gọn lại thành một tầng chóp, kéo dài lên phía trên, đỉnh đặt 01 trụ linga. Tháp có niên đại thế kỷ XIII.
Đây là nơi thờ thần Shiva. Theo truyền thuyết của người Việt gọi đây là tháp Ông, thờ chồng bà Thiên Y A Na.
Tháp Đông Nam:
– Đây là ngôi tháp có quy mô nhỏ nhất. Tháp xây đơn giản, cao 7,1m và hình dáng bên ngoài đã bị hư hại nhiều. Mái xây hình yên ngựa (hình thuyền), hình dáng mái hình thuyền quen thuộc của những cư dân Đông Nam Á hải đảo. Đây có thể là kiến trúc phụ trong quần thể kiến trúc này và thuộc loại muộn, khoảng thế kỷ XI – XII. Tháp thờ thần Skandha – con thần Shiva là vị thần tượng trưng cho sức mạnh, chiến tranh. Theo truyền thuyết của người dân địa phương tháp thờ ông bà Tiều là cha mẹ nuôi của Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Tháp Tây Bắc:
– Tháp cao 9m, là ngôi tháp duy nhất còn khá nguyên vẹn về kiến trúc và trang trí. Trên mỗi ô cửa giả đều có hoa văn trang trí hình các linh vật, được chạm trổ tinh xảo trên nền gạch nung. Trên ô cửa giả phía nam là hình ảnh chim thần Garuda, ô cửa giả phía bắc là hình ảnh thần Kala – vị thần thời gian, ô cửa giả phía tây là hình tượng nữ thần cưỡi voi. Tháp chỉ có một tầng và tầng mái cong mô phỏng hình chiếc thuyền, đầu hồi trang trí các mô típ lá đề mềm mại cong nhọn, uốn vào trong, phô ra hai trán nhà có chạm khắc một vị thần ngồi dưới tán của các đầu rắn Nagar. Đây là tháp thờ thần Ganesha – vị thần biểu tượng của may mắn, trí tuệ và hạnh phúc. Theo truyền thuyết của người dân địa phương, tháp thờ Cô, Cậu (con của bà Thiên Y A Na).
– Theo bia kí và khảo cổ học, tháp có niên đại xây dựng năm 817 song đã được trùng tu nhiều lần, nên niên đại cuối cùng khoảng thế kỷ XIII.
– Linh vật thờ ở trong các đền tháp Chăm là Linga và Yoni (một trong những biểu tượng thờ thần Shiva). Linga và Yoni là biểu tượng mong ước cầu cho con người và vạn vật luôn sinh sôi, nảy nở và phát triển để cuộc sống luôn no đủ, hạnh phúc, sum vầy.
Bia ký:
– Bia ký cổ Chămpa tại Tháp Bà Pô Nagar có giá trị không nhỏ đối với các nhà nghiên cứu trong việc tìm hiểu lịch sử khu đền tháp này nói riêng, cũng như lịch sử, văn hoá và tôn giáo của vương quốc Chămpa nói chung. Hiện nay, theo tài liệu được biết ở Pô Nagar có 28 đơn vị minh văn; trong số đó có một số bia chưa dịch được nội dung.
– Phía sau Tháp chính có tấm bia do Phan Thanh Giản – một vị quan Thượng thư bộ Lễ dưới triều Nguyễn ghi chép, biên soạn và cho khắc vào năm 1856 (triều vua Tự Đức), bằng chữ Hán – Nôm nói về truyền thuyết Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt.
– Tấm bia thứ hai do 8 vị quan tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận lập năm 1871.
– Bên cạnh là tấm bia dựng vào năm 1972, nội dung dịch sang chữ quốc ngữ truyền thuyết bà Thiên Y A Na.
– Tấm bia đá thứ tư, giới thiệu về di tích Tháp Bà Ponagar được dựng vào năm 2010.
Các bia di tích tại Tháp Bà Ponagar
Tín ngưỡng, tâm linh
– Trong tháp Chính, đặt tượng thờ nữ thần Ponagar. Theo bia ký, năm 918 tượng thờ được tạc bằng vàng, nhưng năm 950 bức tượng bị quân Khơme cướp đi. Mười lăm năm sau, tức năm 965 vua Sri Jaya Indravaman cho dựng lại pho tượng bằng đá như hiện nay, người Chăm tiếp tục thờ phụng Nữ thần. Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã lấy đi đầu tượng và 02 tay. Hiện nay đầu pho tượng Mẫu được phục chế bằng gỗ.
– Năm 1653, vùng đất nay là tỉnh Khánh Hòa chính thức là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Và, sự cộng cư và hòa cư của người Việt với người Chăm cùng một số tộc người ở khu vực đã đánh dấu sự hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ tín ngưỡng thờ Nữ thần, Mẫu thần của người Việt. Tín ngưỡng bản địa thờ Mẹ xứ sở của người Chăm đã được người Việt vào tiếp quản, Việt hóa để trở thành tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na của người Việt. Hình tượng của Bà, việc thờ phụng Bà đã kết tinh vào văn học, văn nghệ dân gian, vào đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân một cách sâu sắc và rộng rãi. Điều đó được khẳng định qua thời gian. Chỉ mới hơn 3 thế kỷ, tín ngưỡng này đã phát triển rộng khắp, bao trùm lên toàn bộ đời sống tinh thần của người Việt ở Khánh Hòa. Sự lan tỏa của tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na hết sức sâu rộng, có mặt trong cuộc sống hàng ngày của người dân Khánh Hòa hiện nay.
– Trong dân gian, Thiên Y A Na Thánh Mẫu không chỉ tồn tại, lưu truyền trong tâm thức nhân dân, lan tỏa, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, mưu sinh của nhân dân. Các vua triều Nguyễn đã nhiều lần ban sắc phong cho Thiên Y Thánh Mẫu ở Tháp Bà Pô Nagar và ở các miếu thờ, trong các làng quê Khánh Hòa, là Thượng đẳng thần với tên gọi Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi. Ngoài hệ thống miếu thờ Thiên Y A Na, trong các đình làng, chùa, người dân còn phối thờ Bà và coi như vị phúc thần của mảnh đất xứ Trầm hương.
Kỹ thuật xây dựng
– Từ nhiều năm nay, kỹ thuật xây dựng các đền tháp Chăm và phương pháp chế tạo những viên gạch để xây các đền tháp được nhiều người quan tâm.Kỹ thuật xây dựng tháp Chăm hết sức độc đáo. Gạch xây tháp Chăm là gạch loại lớn (có kích thước 0,40m x 0,18m x 0,05m). Đặc điểm của gạch xây tháp là xốp, nhẹ, mềm, dễ tạo hình và không thấm nước nên hầu như không có hiện tượng rêu bám, mà các viên gạch chỉ bị bào mòn theo thời gian, phô ra lõi màu đen, thể hiện những viên gạch được nung ở nhiệt độ cao. Trong khi đó, các viên gạch chúng ta sử dụng trùng tu nặng hơn, dễ thấm nước và giữ nước, tạo môi trường cho thực vật ký sinh dễ sinh sôi, phát triển, như: rêu, dương xỉ… Vì vậy, câu hỏi: Người Chăm đã sản xuất gạch xây dựng tháp như thế nào? Đó là câu hỏi còn bị bỏ ngỏ.
– Cách xây dựng các tháp Chăm như thế nào? Đây cũng là câu hỏi khiến các nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa dày công tìm hiểu và thử nghiệm. Có ý kiến cho rằng người Chăm xưa chồng các viên gạch lên thành tháp, sau đó nung để gạch chín và kết dính với nhau. Ý kiến này không được nhiều người đồng ý. Bởi theo nghiên cứu, các ngôi tháp có tường rất dày, có khi dày một đến hai mét, nhưng nhiệt độ nung của các viên gạch khá đều nhau. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng: Người Chăm xưa nung gạch rồi mới đem xây dựng các đền tháp, sau đó mới chạm trổ hoa văn trên tường, gạch mà dấu vết chạm trổ dang dở còn được lưu giữ ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) và Dương Long (Bình Định). Việc hiểu biết về phương thức nung gạch và kỹ thuật xây dựng tháp Chăm là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay. “Cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về vật liệu cũng như kỹ thuật xây dựng đặc biệt trước khi thiết kế tu bổ, tránh sự không tương thích để kéo dài tuổi thọ cho vật liệu và kết cấu tháp”[2].
– Thật ra giữa các viên gạch xây dựng tháp Chăm vẫn có một lớp kết dính rất mỏng. Các chuyên gia Ba Lan sau khi phân tích cơ lý, thành phần hóa, thành phần khoáng đã cho rằng gạch được nung trước khi xây tháp, chất liệu thu được giữa hai viên gạch còn dính nhau, không giống với chất viên gạch. Vậy chất kết dính đó là gì? Điều đó đã khiến các học giả trong và ngoài nước nghiên cứu về đền tháp Chăm mải miết đi tìm câu trả lời. Tìm hiểu ở hậu duệ của người Chăm cũng chưa có câu trả lời xác đáng vì họ cũng không nhớ tổ tiên mình xây dựng các đền tháp như thế nào. Ngay từ đầu thế kỷ XX, H.Parmentier đã cho rằng người Chăm xây tháp bằng một loại chất kết dính thực vật với mạch xây rất mảnh như dán các viên gạch với nhau. Qua những nghiên cứu, phân tích, thử nghiệm, ngày nay các nhà khoa học cho rằng: Có thể ngày xưa người Chăm dùng nhựa thực vật, là những loại cây có sẵn ở vùng đất này, như: cây bời lời hoặc cây dầu rái để làm chất kết dính các viên gạch xây đền tháp (loại cây có nhiều ở miền Trung và Tây Nguyên, ngày nay vẫn được sử dụng trong đời sống như: dùng để trát thuyền thúng…), hay có thể sử dụng mật mía trộn với nước cây xương rồng nghiền nát tạo nên chất kết dính
– Cho đến nay, dù có nhiều lý giải khác nhau, nhưng cách thức sản xuất gạch, chất liệu gạch, chất liên kết, kỹ thuật xây dựng tháp Chăm vẫn là điều bí ẩn thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, du khách trong và ngoài nước.
Quá trình trùng tu
– Các công trình kiến trúc ở đây đã trải qua hơn nghìn năm và chịu nhiều sự tác động của tự nhiên và con người, của chiến tranh. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, Tháp Bà Ponagar đã trải qua một số lần trùng tu tôn tạo. Lần thứ nhất người Pháp tu bổ vào những năm 30 của thế kỷ XX. Dấu ấn rõ nhất của đợt tu bổ này là những chỗ gạch trát xi măng. Sau đó, những năm 90 của thế kỷ XX, chúng ta đã tiếp tục tu bổ để bảo tồn những ngôi tháp cổ. Lần tu bổ gần đây nhất là năm 2010 ở tháp Nam.
– Di tích luôn được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; công tác tu bổ được thực hiện thường xuyên và trở thành trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nhất là mỗi dịp Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 21 đến 23 tháng 3 âm lịch hàng năm khách hành hương về dự lễ rất đông. Lễ hội Tháp Bà Ponagar được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012.
– Khu di tích Tháp Bà ở Nha Trang chính là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của qúa trình giao lưu Việt – Chăm trong lịch sử, là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên các yếu tố cố kết cộng đồng của các dân tộc Việt Nam hôm nay và điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi đến Nha Trang – Khánh Hòa.
- Đặt xe di chuyển đến địa điểm liên hệ TAXI AIRPORT 24H hotlline :0906585999 hoặc (ZALO)